Những năm qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có nhiều chính sách thông qua tuyển dụng đặc cách, cơ chế đãi ngộ... Để thu hút nhân tài, thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP (Nghị định 140), những năm qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có nhiều chính sách thông qua tuyển dụng đặc cách, cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thuận lợi.
Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ trao Quyết định phong tặng Giáo sư danh dự vinh danh GS.TSKH. Lê Thành Nhân
Năm 2020, ĐH Đà Nẵng phong tặng danh hiệu Giáo sư Danh dự cho GS.TSKH Lê Thành Nhân giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nice-Sophia Antipolis (UNS) thành viên ĐH Côte d’Azur (UCA), Pháp và là Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc tế, ĐH Đà Nẵng (DNIIT).
GS.TSKH Lê Thành Nhân là người khởi xướng, tham gia chủ trì thành lập DNIIT, hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Đại học Nice Sophia Antipolics vào năm 2017 nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo sau đại học... Đây là mô hình đặc thù, có tính tiên phong tiêu biểu của ĐH Đà Nẵng mà trước đây chưa có tiền lệ; phù hợp với xu thế “đại học không tường” và cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên cương vị Viện trưởng Viện DNIIT, GS.TSKH Lê Thành Nhân đã lãnh đạo, triển khai nhiều hoạt động khoa học và đào tạo, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, quy tụ nhà khoa học Pháp và Việt Nam, chủ trì Đề án xây dựng hạ tầng mạng LoRa để Đà Nẵng trở thành “thành phố thông minh” (Smart City).
Vinh danh các tân GS, tân PGS, tân TS là sự kiện nổi bật của ĐHĐN được tổ chức trang trọng, thường niên
Nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu đã đến công tác, giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng, mở ra cơ hội hợp tác, kết nối những dự án về chuyển giao chương trình đào tạo nghiên cứu khoa học như GS Lê Thành Nhân (quốc tịch Pháp-Việt Nam), GS.TSKH Trần Quốc Tuấn (quốc tịch Pháp-Việt Nam), TS.BS Lê Trọng Phi (quốc tịch Đức), GS Marc Danie (Pháp), GS Junichi Mori (Nhật Bản), GS Goeff Perkes (Anh), GS Helen Griffiths (Anh), GS Yulan He (Anh)...
Tương tự, TS Nguyễn Duy Thái Sơn chọn trở thành giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) vào năm 2003 theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố.
Trước đó, ông có 5 năm được mời làm giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm quốc tế về Vật lý lý thuyết (Ý), Trường ĐH Ohio (Hoa Kỳ), ĐH Kyoto Sangyo (Nhật Bản), ĐH Vienna (Áo). Trong thời gian 7 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ông đã mang về cho Đà Nẵng 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng Toán quốc tế, truyền lửa đam mê môn Toán cho nhiều thế hệ học trò.
Chú trọng, tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học/giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu
Theo hợp đồng giữa TS Nguyễn Duy Thái Sơn với Sở Nội vụ Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài, TS Sơn có thể đi sau 5 năm công tác nhưng rồi Đà Nẵng với những chính sách đãi ngộ cùng tình cảm của đồng nghiệp, học trò đã giữ chân ông lâu hơn thế. Sau 7 năm giảng dạy ở môi trường giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Duy Thái Sơn đã chuyển về giảng dạy tại Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng)...
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thu hút các nhà khoa học nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm sau khi nghỉ hưu ở nước ngoài về tham gia giảng dạy, nghiên cứu có lợi trên nhiều phương diện. Việc kết nối cơ sở giáo dục đại học trong nước với cộng đồng khoa học toàn cầu, giúp giảng viên thường xuyên tiếp xúc thông tin khoa học mới, nuôi dưỡng môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại