Vietnamese English French

Facebook

Twitter

 

zalo logo

Vietnamese English French

Viện DNIIT-ĐHĐN tổ chức thực tập cho sinh viên quốc tế theo Đề án hợp tác khoa học với Đại học Côte d’ Azur, Cộng hòa Pháp

Viện DNIIT-ĐHĐN tổ chức thực tập cho sinh viên quốc tế theo Đề án hợp tác khoa học với Đại học Côte d’ Azur, Cộng hòa Pháp

Vừa qua (24/5), Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức báo cáo thực tập cho 32 sinh viên (SV) quốc tế theo Đề án hợp tác với Đại học Côte d’ Azur (UCA), Cộng hòa Pháp.

Đây là các SV đến từ các trường, viện (Polytech CS, Polytech E, IUT info) thành viên của UCA được Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-ĐHĐN tiếp nhận, hỗ trợ kết nối mời các giảng viên, chuyên gia uy tín hướng dẫn thực tập, qua đó bước đầu đã gặt hái được nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích, thể hiện qua chất lượng của các báo cáo khoa học.


 Lãnh đạo UCA và Viện DNIIT-ĐHĐN đồng hành, đem lại cơ hội phát triển chuyên môn, sáng tạo cho SV quốc tế 

Theo GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-ĐHĐN, các đề tài của SV quốc tế thực tập tại các cơ quan, đơn vị đối tác của Viện năm nay có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, phần lớn ứng dụng công nghệ 4.0 để đề xuất các giải pháp khả thi, có tính ứng dụng cao.  

Đáng chú ý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế có các đề tài như: “Ứng dụng web Hôpital K-Admin và API di động chăm sóc dinh dưỡng bệnh nhân ung thư”; “Bệnh Viện K – App cho mobile”…


                                                                          Sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo UCA và Viện DNIIT-ĐHĐN tiếp thêm

                                                                                               động lực cho SV quốc tế thực tập chuyên môn 

Trong xu thế phát triển đô thị “thông minh” có các đề tài như: “Nhận diện danh thắng du lịch”; “Hệ thống cảnh báo và giám sát năng lượng tòa nhà”; “Hệ thống đèn LED hiển thị thời gian thực tại bến xe”; “Thiết bị theo dõi gia súc ngoài trời sử dụng LoRaWAN” hay “Đọc đồng hồ nước với tính năng nhận dạng chỉ số dựa trên máy ảnh”…

Trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai có các đề tài: “Hệ thống giám sát và cảnh báo lượng mưa”; “Ứng dụng machine learning dự báo dòng chảy lũ và cảnh báo thiên tai”; “Biến đổi khí hậu và di cư”…


                                                                                                                            Các đề tài ứng dụng công nghệ 4.0 trong                                                                                                                                             nhiều lĩnh vực, đời sống

Các đề tài ứng dụng nền tảng 4.0 có thể mở ra nhiều giải pháp công nghệ phục vụ hữu ích trong giáo dục, thương mại như: “GreenSchool: Hệ thống IoT dành cho giáo dục về rác thải cho trẻ em”; “Ứng dụng Xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP”; “GreenShop: Hệ thống thương mại điện tử dành cho các sản phẩm thân thiện với môi trường”…, đại diện thành viên của Hội đồng đánh giá báo cáo thực tập chia sẻ. 

Đây là các đề tài do SV đề xuất ý tưởng, giải pháp xuất phát từ tìm hiểu nhu cầu thực tế được các giảng viên đồng thời là các chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm mà Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-ĐHĐN kết nối trong mạng lưới nghiên cứu học thuật đồng hành hỗ trợ từ hoàn thiện ý tưởng, cách thức tiếp cận, triển khai, nghiên cứu để bước đầu báo cáo khoa học có chất lượng, khi tiếp tục hoàn thiện không ít giải pháp, sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tốt.


                                                    Cơ hội phát triển chuyên môn, tư duy sáng tạo,                                                                                                                     khởi nghiệp và trải nghiệm giao lưu văn hóa

SV quốc tế của UCA được tiếp thêm động lực khi các giáo sư hàng đầu của UCA như: GS. Stéphane Ngo Mai-Phó Giám đốc UCA; GS. Alexandre Caminada-Hiệu trưởng Trường ĐH Polytech, UCA trực tiếp đến thăm, động viên nhân chuyến công tác, làm việc với ĐHĐN cùng ký kết hợp tác chính thức hóa vị thế thành viên đầu tiên ngoài châu lục của ĐHĐN trong Liên minh các trường ĐH Châu Âu Ulysseus và vai trò đơn vị cầu nối của Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-ĐHĐN (mời xem thêm tin tại đây).

Được biết, các SV của UCA sẽ thực tập, trải nghiệm kết hợp với nhiều cơ hội du lịch, tham quan, giao lưu văn hóa (trước mắt là Lễ hội pháo hoa quốc tế tại thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, hiếu khách) từ tháng 4-8/2024.


                                                                     SV quốc tế thực tập tại Không gian đổi mới 

                                                             sáng tạo-Trung tâm Phát triển phần mềm ĐHĐN

Những chỉ dẫn, nhận xét và góp ý phản biện khoa học của các hội đồng với vai trò nổi bật của Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-ĐHĐN trong tổ chức, đồng hành với SV quốc tế là kinh nghiệm bổ ích không những giúp các bạn hoàn thiện chuyên môn, phát triển tư duy sáng tạo khởi nghiệp mà còn qua đó cho thấy rõ hiệu quả mô hình hợp tác nghiên cứu “ĐH không biên giới” giữa Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-ĐHĐN nói riêng, ĐHĐN nói chung với các ĐH uy tín trên thế giới.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Đại học Đà Nẵng ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Liên minh các trường đại học Châu Âu Ulysseus: Dấu ấn mới nâng tầm uy tín, vị thế quốc tế

Đại học Đà Nẵng ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Liên minh các trường đại học Châu Âu Ulysseus: Dấu ấn mới nâng tầm uy tín, vị thế quốc tế

Ngày 24/5/2024, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã chủ trì điểm cầu phía ĐHĐN tham dự và ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Liên minh các trường đại học Châu Âu (Ulysseus) được tổ chức trực tuyến kết nối với các đối tác.


                                                                                                                                   Toàn cảnh buổi Lễ ký kết Thỏa thuận

                                                                                                                            hợp tác với Ulysseus tại điểm cầu ĐHĐN 

Cùng tham dự tại điểm cầu ĐHĐN có PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN; GS.TSKH. Bùi Văn Ga; GS. Stéphane Ngo Mai-Phó Giám đốc ĐH Côte d’ Azur (UCA); GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT, ĐHĐN; GS. Alexandre Caminada-Hiệu trưởng Trường ĐH Polytech, UCA;đại diện lãnh đạo các ban hữu quan (Đào tạo, Khoa học và Hợp tác Quốc tế) và Viện DNIIT của ĐHĐN.

Tại các điểm cầu của các trường ĐH thành viên của Ulysseus có GS. Siegfried Walch-đại diện lãnh đạo Trường Kinh doanh MCI (Áo), đại diện cho Ulysseus chủ trì (theo phương thức các thành viên luân phiên); đại diện lãnh đạo các Trường ĐH Sevilla (Tây Ban Nha); ĐH Genoa (Ý); ĐH Munster (Đức); ĐH Kỹ thuật Košice (Slovakia); ĐH Khoa học Ứng dụng Haaga-Helia (Phần Lan); ĐH Crne Gore (Montenegro). 


                                                                                                                   Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ (chính giữa)

                                                                                                                   và GS. Stéphane Ngo Mai-Phó Giám đốc UCA;

                                                                                                            GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện DNIIT

                                                                                                                                 tham dự và ký kết tại điểm cầu ĐHĐN 

Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN đánh giá cao và trân trọng cám ơn đến Liên minh Ulysseus và các trường ĐH thành viên đã tạo điều kiện chính thức hóa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ĐHĐN với Ulysseus.

Chia sẻ vinh dự khi ĐHĐN trở thành đối tác chiến lược đầu tiên ngoài Châu Âu của Ulysseus, Giám đốc Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, ĐHĐN luôn xác định các đối tác quốc tế là “đòn bẩy”, động lực trong chiến lược hợp tác quốc tế của mình. Điều này đáp ứng, phù hợp với mô hình liên minh “mở cửa ra thế giới” của Ulysseus.


                                                                                                           GS.TSKH. Bùi Văn Ga và GS. Alexandre Caminada

                                                                                                                               Hiệu trưởng Trường ĐH Polytech, UCA

                                                                                                                                                tham dự tại điểm cầu ĐHĐN

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định với Liên minh cam kết thực thi trách nhiệm của ĐHĐN với vai trò là đối tác chiến lược của Ulysseus, theo đó tạo điều kiện để Viện DNIIT kết nối, hợp tác hiệu quả; chỉ đạo Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế ĐHĐN cũng như các trường, đơn vị thành viên/trực thuộc mình triển khai có hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác được ký kết.  

Nhân dịp này, Giám đốc ĐHĐN chia sẻ mong muốn chào đón các trường ĐH thành viên của Liên minh Ulysseus đến với ĐHĐN tại thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, hiếu khách, nhất là năm nay sẽ diễn ra kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHĐN với chuỗi hội thảo quốc tế về chủ đề thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo và quốc tế hóa trong giáo dục ĐH.


                                                                                                                                       Các giáo sư các trường thành viên

                                                                                                                         của Ulysseus tham dự tại điểm cầu đối tác 

Đại diện các đại biểu dự buổi Lễ đã phát biểu, chia sẻ niềm vui mừng, khẳng định mong muốn sẽ tăng cường gắn kết, cùng nhau hợp tác, hướng đến lợi ích chung vì những mục tiêu như tinh thần sứ mệnh của Liên minh Ulysseus; mong sớm có dịp gặp gỡ để tăng cường hiểu biết và hợp tác cùng hướng đến tương lai.

Theo nội dung Thỏa thuận giữa ĐHĐN với Liên minh Ulysseus, mục đích hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực giáo dục, khoa học và các trọng tâm khác mà các bên chia sẻ, quan tâm như: Trao đổi học thuật bao gồm các chuyên gia, học giả, giảng viên, sinh viên/học viên; Hợp tác trong các dự án quốc tế; Phối hợp tổ chức các sự kiện hội thảo, hội nghị, liên kết đào tạo quốc tế, đồng cấp bằng…

                                                                                                                   Giám đốc ĐHĐN (chính giữa) cùng các giáo sư

                                                                                                                        đại diện UCA và Viện DNIIT với Thỏa thuận

                                                                                                                         hợp tác được ký kết với Liên minh Ulysseus

Theo Thỏa thuận trong khuôn khổ hợp này, Viện DNIIT-ĐHĐN giữ vai trò “cầu nối” gắn kết, phối hợp triển khai các nội dung hợp tác giữa ĐHĐN và Liên minh Ulysseus.

Cùng ngày, tại ĐHĐN, Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ cùng các GS. TSKH. Bùi Văn Ga, GS.TSKH. Lê Thành Nhân đã có buổi tiếp và làm việc với GS. Stéphane Ngo Mai-Phó Giám đốc UCA và GS. Alexandre Caminada-Hiệu trưởng Trường ĐH Polytech, UCA.


                                                        Giám đốc ĐHĐN (bên phải) chia vui với GS. Stéphane Ngo Mai-Phó Giám đốc UCA

                                                                              vừa được trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo ĐHĐN và UCA bày tỏ thống nhất cao, mong muốn nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa hai ĐH lên tầm cao mới, qua đó góp phần tăng cường vai trò và đóng góp tích cực của mỗi ĐH trong mạng lưới Liên minh các ĐH Châu Âu Ulysseus.


                                                           Tăng cường thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa ĐHĐN và ĐH Côte d’ Azur nói riêng,

                                                                                                                           hợp tác gắn kết với Ulysseus nói chung 

Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận để các trường ĐH thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc của ĐHĐN triển khai các nội dung hợp tác theo định hướng chung.

GS. Stéphane Ngo Mai-Phó Giám đốc UCA trân trọng cảm ơn Giám đốc ĐHĐN cũng như các giáo sư đóng góp cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa UCA và ĐHĐN và dự kiến hai Trường ĐH Bách khoa của hai ĐH sẽ ký kết hợp tác trong thời gian đến.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT, ĐHĐN đăng cai Hội thảo quốc tế ISSCEI-2023 vì thành phố “thông minh” và Cuộc thi Smart Campus Châu Á-Thái Bình Dương

Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT, ĐHĐN đăng cai Hội thảo quốc tế ISSCEI-2023 vì thành phố “thông minh” và Cuộc thi Smart Campus Châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 12/1, tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, ĐHĐN phối hợp với Đại học (ĐH) Cote d'Azur (Cộng hoà Pháp) cùng Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố Đà Nẵng tổ chức chuỗi sự kiện Hội thảo quốc tế International Syposium-Smart City: Innovations and Experiences (ISSCEI-2023với chủ đề: “Sáng tạo và Trải nghiệm Thành phố thông minh” và Cuộc thi Smart Campus Châu Á-Thái Bình Dương với sự đồng hành, tài trợ của Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) và các đối tác.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế ISSCEI-2023

và Chung kết Cuộc thi Smart Campus

Châu Á-Thái Bình Dương tại ĐHĐN

Tham dự khai mạc Hội thảo quốc tế ISSCEI-2023 có PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN; GS. Laurent Sermet-Giám đốc AUF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; GS.TSKH. Bùi Văn Ga-nguyên Giám đốc ĐHĐN; Ông Lê Sơn Phong-Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng; GSDD.GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, ĐHĐN.

PGS.TS. Lê Quang Sơn

Phó Giám đốc ĐHĐN phát biểu khai mạc 

Cùng tham dự có GS. Fabien Ferrero-Giám đốc nghiên cứu ĐH Côte d’Azur; các Phó Giám đốc ĐHĐN: PGS.TS. Lê Quang Sơn, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn; đại diện lãnh đạo các trường ĐH thành viên của ĐHĐN (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật); các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đối tác và các cán bộ, giảng viên của ĐHĐN cũng như Viện DNIIT-ĐHĐN và đông đảo sinh viên (SV), các đội thi đến từ các trường ĐH khu vực Đông Nam Á được dự Vòng Chung kết Smart Campus.

Ông Lê Sơn Phong-Phó Giám đốc

Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng phát biểu 

Phát biểu khai mạc Hội thảo ISSCEI-2023, PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN nồng nhiệt chào mừng và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến quý vị lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia, các đội thi đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước, đặc biệt là ĐH Côte d’Azur, đối tác chiến lược gắn bó, hợp tác với ĐHĐN trong nhiều năm qua, cũng là đối tác cùng với ĐHĐN thành lập Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT đã đến tham dự, đồng hành với chuỗi sự kiện tổ chức tại ĐHĐN.

GS. Fabien Ferrero-Giám đốc nghiên cứu

ĐH Côte d’Azur phát biểu 

Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn cho biết,  ISSCEI-2023 là diễn đàn khoa học quy tụ các ý tưởng, giải pháp nghiên cứu, ứng dụng đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học, cơ quan, doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng giảng đường ĐH “thông minh” (Smart Campus), hướng đến phát triển thành phố “thông minh” (Smart City) cho các đô thị của Việt Nam, trước hết là thành phố Đà Nẵng năng động, “đáng sống”, “đáng đến”.

GS. Laurent Sermet-Giám đốc AUF

khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

tặng hoa Ban Giám khảo Chung kết 

Cuộc thi quốc tế Smart Campus

Chia sẻ với các đối tác và các trường ĐH về ĐHĐN là ĐH vùng đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ quan tâm đầu tư trong chiến lược phát triển thành ĐH Quốc gia, một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước (có quy mô gần 60 nghìn SV/học viên, lưu học sinh), có uy tín, vị thế quốc tế, Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn cho biết, với bề dày truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển, kế thừa kinh nghiệm đào tạo 50 năm của các trường thành viên, ĐHĐN đóng vai trò “trụ cột” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước.

GSDD.GS.TSKH. Lê Thành Nhân

Viện trưởng Viện DNIIT, ĐHĐN tặng hoa

10 đội thi các ĐH Châu Á-Thái Bình Dương

ĐHĐN luôn chú trọng kiến tạo môi trường học thuật, huy động và tối đa hóa các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đem lại nhiều cơ hội phát triển toàn diện cho người học và phụng sự cộng đồng, vì mục tiêu phát triển bền vững, Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn khẳng định.

Các đại biểu, nhà khoa học và chuyên gia

cùng SV chụp ảnh lưu niệm tại Phiên khai mạc

Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo ĐHĐN trân trọng cám ơn Tổ chức ĐH Pháp ngữ AUF, ĐH Cote d'Azur và các đối tác uy tín trong và ngoài nước, Sở TT&TT cũng như thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, phối hợp và hỗ trợ Viện DNIIT nói riêng, ĐHĐN nói chung tổ chức Hội thảo quốc tế ISSCEI và Chiến dịch Smart Campus, qua đó đem lại nhiều ý tưởng, giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, trọng tâm năm nay là sáng tạo, ứng dụng công nghệ “xanh”, công nghệ giáo dục 4.0 để phát triển giảng đường/thành phố “thông minh”; mong muốn, hy vọng tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Quý đối tác và các nhà khoa học, chuyên gia thúc đẩy kết nối trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.


Tọa đàm chuyên đề 1: Công nghệ xanh

cho thành phố "thông minh"

Theo GS. Fabien Ferrero-Giám đốc nghiên cứu ĐH Côte d’Azur cho biết, song hành cùng sự kiện Hội thảo quốc tế ISSCEI-2023, Chiến dịch Smart Campus được Viện DNIIT khởi xướng, phối hợp cùng ĐH Côte d’Azur cùng các trường ĐH thành viên của ĐHĐN tổ chức từ năm 2017 đến nay đã được nâng tầm, mở rộng phạm vi ra khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, được AUF và các đối tác tài trợ để các nhóm nghiên cứu và SV chung sức đem trí tuệ phát triển thêm nhiều giải pháp ứng dụng, sáng tạo ĐH “thông minh”, hướng đến thành phố “thông minh”.


Tọa đàm chuyên đề 2 về

phát triển thành phố "thông minh"

Năm nay, Vòng Chung kết Smart Campus khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chào đón 10 đội thi đến từ các ĐH/trường ĐH Việt Nam, Lào và Campuchia như: ĐH Quốc gia Lào, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ Quốc tế ITC, Campuchia; Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Huế, Trường ĐH Thăng Long và 03 đội “chủ nhà” ĐHĐN đến từ các trường ĐH thành viên (Trường ĐH Bách khoa ĐHĐN, Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật).


Các đại biểu tham dự các phiên chuyên đề

GSDD.GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện DNIIT chia sẻ, sự hiện diện của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực với sự gắn kết tam giác “nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp” được sự bảo trợ của Tổ chức AUF và các ĐH hàng đầu như ĐH Cote d'Azur và ĐHĐN cũng như các sở ngành thành phố Đà Nẵng như Sở TT&TT đã đem đến cho Hội thảo quốc tế ISSCEI-2023 cơ hội mở rộng, kết nối mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn đầu tư và ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số vì mục tiêu phát triển các thành phố “thông minh” cho đất nước.

Đây cũng là chuỗi sự kiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện DNIIT, ĐHĐN với Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.


Đại diện lãnh đạo AUF và ĐH Cote d'Azur

cùng Ban Giám khảo nghe thuyết trình

giới thiệu giải pháp công nghệ xanh 

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng Lê Sơn Phong, phía thành phố và Sở TT&TT đánh giá cao và trân trọng cám ơn lãnh đạo ĐHĐN, ĐH Cote d'Azur và các đối tác uy tín như AUF, trực tiếp là Viện DNIIT-ĐHĐN thời gian qua đã có nhiều hoạt động hợp tác gắn kết và hiệu quả, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến như Mạng LoRA vào Đề án phát triển thành phố “thông minh” của Đà Nẵng, đến nay đã đưa vào ứng dụng Hệ thống điều hành giám sát trung tâm và các dịch vụ công phục vụ du lịch, giao thương, thu hút đầu tư, logistics… kết nối với mạng lưới các đô thị “thông minh” trong khu vực Asean.


Các ý tưởng, giải pháp công nghệ mới 

được ứng dụng phù hợp, hiệu quả với

điều kiện thực tiễn thành phố Đà Nẵng

cũng như các đô thị của Việt Nam 

Với Phiên toàn thể và 02 Toạ đàm chuyên đề về “Công nghệ xanh” và “Giáo dục thông minh” cùng 20 báo cáo khoa học và tham luận được trình bày, chia sẻ bởi các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế, các ý tưởng và giải pháp “thông minh” đã được đề xuất, thảo luận, qua đó thống nhất nhận thức và hành động, nhạy bén đáp ứng kịp thời xu thế, yêu cầu phát triển Smart City/Smart Campus.


Giám đốc AUF khu vực Châu Á-

Thái Bình Dương GS. Laurent Sermet

(thứ 2 phải sang) chia sẻ cùng SV 

Bên lề Cuộc thi và các phần thi sôi nổi, hào hứng được trình bày, tương tác, góp ý, phản biện từ Hội đồng Giám khảo quy tụ các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia uy tín, Triển lãm các Poster của Cuộc thi Smart Campus do Viện DNIIT tổ chức cho sinh viên các trường ĐH khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã để lại nhiều ấn tượng về tiềm năng, sức sáng tạo trẻ và lan tỏa, truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững, chuyển động cùng Cách mạng Công nghiêp 4.0.


Kết nối mạng lưới nghiên cứu trẻ chung tay

phát triển Smart Campus/Smart City trong

khu vực Asean và Châu Á-Thái Bình Dương

Kết quả chung cuộc Cuộc thi quốc tế Smart Campus, Ban Tổ chức đã trao 01 giải Nhất cho Đội SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN và Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN với Dự án “Application of lora in IoT system ensuring power quality” được nhận Chứng nhận và tiền thưởng 10 triệu đồng.

Trao giải Nhất Smart Campus-2023

khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

02 Giải Nhì thuộc về các đội SV: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN và Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN với Dự án “Hệ thống giám sát và chẩn đoán vị trí rò rỉ trong hệ thống đường ống dẫn chất lỏng thông qua mạng truyền thông LoRa”; Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội với Dự án “LoraWAN4FM: Low-cost system LoRaWAN Network for Fire Monitoring in Campus”. Mỗi đội SV đạt giải Nhì được nhận Chứng nhận và tiền thưởng 5,5 triệu đồng/đội.

Trao giải Nhì Smart Campus-2023

khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

03 Giải Ba thuộc về các đội SV: Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), ĐH Quốc gia Hà Nội với Dự án “Smart Campus Tracker”; ĐH Quốc gia Lào với Dự án “Real time temperature mornitoring for urban heat island (UHI) mapping”; Viện Công nghệ ITC Campuchia với Dự án “Smart Student Scanner Card (S3C)”.

Mỗi đội SV đạt giải Ba được nhận Chứng nhận và tiền thưởng 3 triệu đồng/đội.

Trao giải Ba Smart Campus-2023

khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Giải Khuyến khích thuộc về Đội SV Trường ĐH Khoa học Huế với Dự án “A LoRaWAN-based system for water-parameters monitoring in shrimp farm” được nhận Chứng nhận và tiền thưởng 2,5 triệu đồng.

Trao giải Doanh nghiệp Smart Campus-2023

khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Giải Doanh nghiệp thuộc về Đội SV Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN với Dự án “LoRaTrack Logistics: Theo dõi và Quản lý Container trong Chuỗi Cung Ứng-Ứng dụng công nghệ LoraWan” được nhận Chứng nhận và tiền thưởng 5 triệu đồng.

Trao Chứng nhận cho đại diện các

đội SV các trường ĐH tham dự Chung kết

Thành công của Hội thảo quốc tế ISSCEI và Chung kết Smart Campus Châu Á-Thái Bình Dương năm nay không những đem lại nhiều giá trị, tạo cơ hội, diễn đàn cho giới khoa học và chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng các ĐH/trường ĐH đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm để cùng vượt qua thách thức phát triển thành phố/giảng đường “thông minh” mà còn khẳng định vai trò, uy tín của Viện DNIIT-ĐHĐN trong nỗ lực đồng hành với Chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố “thông minh” bền vững, cùng ĐHĐN hội nhập, thực sự là “điểm đến” của các sự kiện tầm vóc quốc gia, quốc tế.


Các đại biểu và SV chụp ảnh lưu niệm

Kính mời xem thêm tin trên Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Quảng NamĐài Danang TV (17'07'')

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Tuyển dụng đặc cách "Chiêu hiền đãi sĩ"

Những năm qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có nhiều chính sách thông qua tuyển dụng đặc cách, cơ chế đãi ngộ... Để thu hút nhân tài, thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP (Nghị định 140), những năm qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có nhiều chính sách thông qua tuyển dụng đặc cách, cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thuận lợi.

Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ trao Quyết định phong tặng Giáo sư danh dự vinh danh GS.TSKH. Lê Thành Nhân

Năm 2020, ĐH Đà Nẵng phong tặng danh hiệu Giáo sư Danh dự cho GS.TSKH Lê Thành Nhân giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nice-Sophia Antipolis (UNS) thành viên ĐH Côte d’Azur (UCA), Pháp và là Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc tế, ĐH Đà Nẵng (DNIIT).

GS.TSKH Lê Thành Nhân là người khởi xướng, tham gia chủ trì thành lập DNIIT, hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Đại học Nice Sophia Antipolics vào năm 2017 nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo sau đại học... Đây là mô hình đặc thù, có tính tiên phong tiêu biểu của ĐH Đà Nẵng mà trước đây chưa có tiền lệ; phù hợp với xu thế “đại học không tường” và cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cương vị Viện trưởng Viện DNIIT, GS.TSKH Lê Thành Nhân đã lãnh đạo, triển khai nhiều hoạt động khoa học và đào tạo, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, quy tụ nhà khoa học Pháp và Việt Nam, chủ trì Đề án xây dựng hạ tầng mạng LoRa để Đà Nẵng trở thành “thành phố thông minh” (Smart City).

                   Vinh danh các tân GS, tân PGS, tân TS là sự kiện nổi bật của ĐHĐN được tổ chức trang trọng, thường niên

Nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu đã đến công tác, giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng, mở ra cơ hội hợp tác, kết nối những dự án về chuyển giao chương trình đào tạo nghiên cứu khoa học như GS Lê Thành Nhân (quốc tịch Pháp-Việt Nam), GS.TSKH Trần Quốc Tuấn (quốc tịch Pháp-Việt Nam), TS.BS Lê Trọng Phi (quốc tịch Đức), GS Marc Danie (Pháp), GS Junichi Mori (Nhật Bản), GS Goeff Perkes (Anh), GS Helen Griffiths (Anh), GS Yulan He (Anh)...

Tương tự, TS Nguyễn Duy Thái Sơn chọn trở thành giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) vào năm 2003 theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố.

Trước đó, ông có 5 năm được mời làm giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm quốc tế về Vật lý lý thuyết (Ý), Trường ĐH Ohio (Hoa Kỳ), ĐH Kyoto Sangyo (Nhật Bản), ĐH Vienna (Áo). Trong thời gian 7 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ông đã mang về cho Đà Nẵng 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng Toán quốc tế, truyền lửa đam mê môn Toán cho nhiều thế hệ học trò.


  Chú trọng, tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học/giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu

Theo hợp đồng giữa TS Nguyễn Duy Thái Sơn với Sở Nội vụ Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài, TS Sơn có thể đi sau 5 năm công tác nhưng rồi Đà Nẵng với những chính sách đãi ngộ cùng tình cảm của đồng nghiệp, học trò đã giữ chân ông lâu hơn thế. Sau 7 năm giảng dạy ở môi trường giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Duy Thái Sơn đã chuyển về giảng dạy tại Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng)...

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thu hút các nhà khoa học nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm sau khi nghỉ hưu ở nước ngoài về tham gia giảng dạy, nghiên cứu có lợi trên nhiều phương diện. Việc kết nối cơ sở giáo dục đại học trong nước với cộng đồng khoa học toàn cầu, giúp giảng viên thường xuyên tiếp xúc thông tin khoa học mới, nuôi dưỡng môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-ĐHĐN phối hợp với các đối tác tổ chức Tập huấn Cuộc thi “Chiến dịch Smart Campus” SCC-2023

Ngày 22/11, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-Đại học Đà Nẵng (Viện DNIIT-ĐHĐN) chủ trì, phối hợp với các đối tác tổ chức Tập huấn Cuộc thi “Chiến dịch Smart Campus” (Smart Campus Campaign, SCC-2023).


Toàn cảnh Khóa Tập huấn

Tham dự Chương trình có GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện DNIIT-ĐHĐN cùng các chuyên gia trong nước, quốc tế và gần 80 học viên là các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các trường ĐH, viện nghiên cứu của ĐHĐN cũng như các cán bộ, chuyên viên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhóm khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.


              GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện DNIIT-ĐHĐN trực tiếp chia sẻ với các học viên tại Khóa Tập huấn

Đây là Cuộc thi học thuật, đổi mới sáng tạo, uy tín quốc tế được Viện DNIIT-ĐHĐN phối hợp với Đại học Côte d’Azur (UCA, Cộng hòa Pháp) với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng “thông minh” IoT trên các nền tảng truyền tin không dây của thành phố Đà Nẵng.

Cuộc thi tìm kiếm và tôn vinh các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo phục vụ cho việc xây dựng đại học “thông minh” hướng đến thành phố “thông minh”. Đây là tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, kết nối giữa các đối tác Giáo dục-Chính phủ-Doanh nghiệp cùng phát triển các giải pháp xây dựng “thành phố thông minh”.


                                                                  Chuyên gia UCA chia sẻ trực tuyến về Công nghệ mạng không dây LoRaWan

Tại Chương trình, học viên được các chuyên gia, giảng viên trình độ cao thuộc các lĩnh vực, chuyên ngành liên quan đến từ ĐHĐN, UCA và các doanh nghiệp công nghệ cao tham gia, hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết các nội dung trọng tâm bao gồm:

(1) Giới thiệu các công nghệ không dây, đặc biệt Công nghệ LoRa/LoRaWAN;

(2) Giới thiệu các ứng dụng IoT phát triển trên nền tảng truyền tin LoRa/LoRaWAN (FreeLoRa) của thành phố Đà Nẵng;

(3) Tập huấn các công cụ và thiết bị cần thiết để phát triển các ứng dụng IoT trên nền tảng FreeLoRa;

(4) Hướng dẫn sử dụng các công cụ và thiết bị để phát triển một ứng dụng IoT trên //nền tảng truyền tin FreeLoRa của thành phố.

(5) Trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc và chia sẻ ý tưởng, giải pháp, nội dung quan tâm.

Phương thức tổ chức khoa học, linh hoạt, học viên được các chuyên gia hướng dẫn,chia sẻ nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích 

“Chiến dịch Smart Campus” được khởi xướng bởi Viện DNIIT-ĐHĐN từ năm 2017. Đến năm 2023, SCC được mở rộng ra phạm vi quốc tế với sự tham gia của các nước trong khu vực Đông Nam Á với sự đồng hành của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng hỗ trợ các nền tảng truyền tin không dây công cộng, đặc biệt là hệ thống Mạng truyền thông diện rộng tiêu thụ năng lượng thấp FreeLoRa cho các ứng dụng IoT dựa trên “công nghệ xanh” LoRa/LoRaWAN.


                                                                                      Truyền cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong cộng đồng công nghệ trẻ

SCC-2023 bao gồm các chủ đề đa dạng trong nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo như các giải pháp sáng tạo vì đại học “thông minh", hướng đến thành phố “thông minh”: Khuôn viên đại học, học tập; Văn phòng; An ninh; Chăm sóc sức khoẻ; Dịch vụ hành chính công; Các chủ đề do các doanh nghiệp, chính quyền, tổ chức, cá nhân/nhóm dự thi đề xuất…


     Khẳng định uy tín, năng lực và sứ mệnh đem tri thức phục vụ cộng đồng của Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-ĐHĐN 

Thành công của Khoá Tập huấn không những tiếp tục khẳng định uy tín quốc tế của Viện DNIIT-ĐHĐN kết nối với các đối tác uy tín “ba nhà” (Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp) trong sứ mệnh gắn kết phục vụ cộng đồng mà còn là cơ hội giới thiệu, hướng dẫn phát triển ứng dụng IoT trên các nền tảng không dây (Bluetooth, WIFI, GPS…) đặc biệt trên nền tảng FreeLora của thành phố Đà Nẵng.


SCC-2023 là Cuộc thi uy tín, tầm vóc quốc tế được Viện DNIIT-ĐHĐN phối hợp với các đối tác khởi xướng, tổ chức hướng đến xây dựng đại học/thành phố "thông minh"

Các học viên đã được cung cấp kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thông tin hữu ích, truyền cảm hứng và thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng phát triển các ứng dụng IoT trong các lĩnh vực trên hệ thống truyền tin công cộng của thành phố, phục vụ xây dựng đô thị “thông minh”; đồng thời hưởng ứng tham gia tích cực Cuộc thi SCC-2023, “sân chơi” học thuật, đổi mới sáng tạo của giới công nghệ trẻ Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung-Tây Nguyên bắt nhịp chuyển động cùng Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Mời xem thêm Thông tin chi tiết về Cuộc thi “Chiến dịch Smart Campus” SCC-2023 tại đây.

                                                                                                                          Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Thông báo về Cuộc thi “Chiến dịch Smart Campus SCC-2023” do Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-ĐHĐN phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF tổ chức

Type
Thông báo
Text

Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-Đại học Đà Nẵng (Viện DNIIT) phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF tài trợ chính) triển khai Cuộc thi “Chiến dịch Smart Campus 2023” (Smart Campus Campaign, SCC-2023) nhằm phát triển ứng dụng “thông minh” IoT trên các nền tảng truyền tin không dây của thành phố Đà Nẵng.

Cuộc thi tìm kiếm và tôn vinh các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo phục vụ cho việc xây dựng đại học “thông minh” hướng đến thành phố “thông minh”. Đây là tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, kết nối giữa các đối tác Giáo dục-Chính phủ-Doanh nghiệp cùng phát triển các giải pháp xây dựng “thành phố thông minh”.

“Chiến dịch Smart Campus” được khởi xướng bởi Viện DNIIT-ĐHĐN từ năm 2017. Đến năm 2023, SCC được mở rộng ra phạm vi quốc tế với sự tham gia của các nước trong khu vực Đông Nam Á với sự đồng hành của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng hỗ trợ các nền tảng truyền tin không dây công cộng, đặc biệt là hệ thống Mạng truyền thông diện rộng tiêu thụ năng lượng thấp FreeLoRa cho các ứng dụng IoT dựa trên “công nghệ xanh” LoRa/LoRaWAN.

SCC-2023 bao gồm các chủ đề đa dạng trong nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo bao gồm các giải pháp sáng tạo vì đại học “thông minh", hướng đến thành phố “thông minh” như: Khuôn viên đại học, học tập; Văn phòng; An ninh; Chăm sóc sức khoẻ; Dịch vụ hành chính công; Các chủ đề do các doanh nghiệp, chính quyền, tổ chức, cá nhân/nhóm dự thi đề xuất…

Giải thưởng (số lượng tùy thuộc nhà tài trợ):

Chung kết Đại học Đà Nẵng: Ngày 08/12/2023:

Giải Nhất: 5 triệu VNĐ; Giải Nhì: 3 triệu VNĐ; Giải Ba: 2 triệu VNĐ

Chung kết quốc tế: Ngày 12/01/2024:

Giải Nhất: 10 triệu VNĐ; Giải Nhì: 6 triệu VNĐ; Giải Ba: 4 triệu VNĐ

Thông tin chi tiết vui lòng truy cập:

Website Cuộc thi ĐHĐN :

https://sites.google.com/view/dniit-scc/home 

Website Cuộc thi quốc tế:

https://www.auf.org/nouvelles/appels-a-candidatures/appel-participation…;

                                                                                                         Tin Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-ĐHĐN

Date of announcement

Vòng thi chung kết ĐHĐN và vòng thi Quốc tế chiến dịch Smart Campus 2023 (SCC 2023)

Type
Vòng thi chung kết ĐHĐN và vòng thi Quốc tế chiến dịch Smart Campus 2023 (SCC 2023)
Text

https://sites.google.com/view/dniit-scc/homeTHÔNG TIN CHI TIẾT VỀ VÒNG THI CHUNG KẾT ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG VÀ VÒNG THI QUỐC TẾ CHIẾN DỊCH SMART CAMPUS 2023 (SCC 23)

(Kèm theo Công văn số   64   ngày   10   tháng 11 năm 2023)

CHỦ ĐỀ: “Chiến dịch Smart Campus” 2023 bao gồm các chủ đề nghiên cứu ứng dụng đa dạng các mảng hướng đến phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Các chủ đề do các doanh nghiệp, chính quyền, tổ chức hoặc do cá nhân/các nhóm dự thi đề xuất. 

Website cuộc thi ĐHĐN : https://sites.google.com/view/dniit-scc/home  

Website cuộc thi quốc tế của cộng đồng Pháp ngữ AUF:

https://www.auf.org/nouvelles/appels-a-candidatures/appel-participation…

Vòng Chung kết Đại học Đà Nẵng: không giới hạn.

Vòng Chung kết Quốc tế: chủ đề “Phát triển ứng dụng IoT trên nền tảng LoRaWAN" (khai thác sử dụng kit SCAPA, tuy nhiên không giới hạn công nghệ truyền dẫn LoRa).

CÁC MỐC THỜI GIAN ĐĂNG KÝ:

  • Từ ngày 09 đến 29/11/2023: Đăng ký tham gia Vòng Chung kết SCC Đại học Đà Nẵng, và được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật bởi các giảng viên phụ trách tại Trường.
  •  Đăng ký tại:  https://forms.gle/DKf5Unfwiw2yr1j48 
  • Từ ngày 30/11 đến  03/12/2023     : Vòng Sơ khảo cấp Trường 
  • Từ ngày 08/12/2023                        : Vòng Chung kết Đại học Đà Nẵng
  • Từ ngày 12/01/2023            : Vòng Chung kết Quốc tế, tại Hội thảo quốc tế ISSCEI.

THỂ LỆ CUỘC THI:

a. Đối tượng: Cá nhân hoặc nhóm sinh viên thuộc Đại học Đà Nẵng và các trường đại học khác được mời tham gia; mỗi nhóm dự thi không quá 5 thành viên.

b. Tính hợp lệ: Đề tài dự thi phải có tính mới so với các nội dung đã được công bố tại các cuộc thi hoặc chương trình nghiên cứu khác. 

c. Hình thức đánh giá và Giải thưởng:

  • Vòng Sơ khảo cấp Trường: được tổ chức  tại các Trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng, từ 30/11 đến 03/12/2023. 
  • Hình thức đánh giá, Ban giám khảo và Giải thưởng: theo Trường
  • Vòng Chung kết Đại học Đà Nẵng: được tổ chức vào 08/12/2023
  • Mỗi nhóm dự án nộp 1 video 2 phút giới thiệu về dự án + trình bày poster cho dự án (theo mẫu) kèm sản phẩm. 
  • Ban giám khảo: các Giảng viên, chuyên gia từ thành phố, doanh nghiệp, các tổ chức, các đơn vị tài trợ.
  • Ngôn ngữ báo cáo: tiếng Việt (poster: bằng tiếng Anh).
  • Giải thưởng: Giải Nhất: 5.000.000 đồng, Giải Nhì: 3.000.00 đồng, Giải Ba: 2.000.000 đồng; số lượng các giải tuỳ thuộc vào đơn vị tài trợ. Ngoài ra còn các giải đặc biệt khác.
  • Vòng Chung kết Quốc tế: diễn ra tại Hội thảo quốc tế ISSCEI 2023.
  • Mỗi nhóm dự án được tuyển chọn trong cuộc thi Chung kết ĐHĐN nộp 01 video 5 phút giới thiệu về dự án (ngôn ngữ tiếng Pháp, phụ đề tiếng Anh hoặc tiếng Anh phụ đề tiếng Pháp) + 01 poster bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.
  • Ban giám khảo: gồm các giảng viên, chuyên gia từ thành phố, doanh nghiệp, các tổ chức, các đơn vị tài trợ Việt Nam và Quốc tế.
  • Ngôn ngữ báo cáo: tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.
  • Giải thưởng: Giải Nhất:10.000.000 đồng; Giải Nhì: 6.000.000 đồng; Giải Ba: 4.000.000 đồng. Số lượng các Giải tùy thuộc vào các đơn vị tài trợ. Ngoài ra còn các giải đặc biệt khác.       

d. Tiêu chí đánh giá bắt buộc: Kỹ năng trình bày; Tính mới; Tính ứng dụng; Tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế; Một số tiêu chí không bắt buộc: Khả năng thương mại hoá, Sở hữu trí tuệ, Chuyển giao công nghệ, v.v..

CÁC QUYỀN LỢI KHÁC THAM GIA:

  1. Đối với các đề tài ứng dụng LoRa: Được sử dụng kit SCAPA và mạng LoRa của thành phố để kết nối các thiết bị, phục vụ phát triển các ứng dụng IoT.
  2. Được sử dụng phòng nghiên cứu của Viện DNIIT phối hợp tại các đơn vị: 
  • Văn phòng DNIIT tại Đại học Đà Nẵng (Phòng 602, khu B, 41 Lê Duẩn, Đà Nẵng); 
  • Phòng nghiên cứu DUT-DNIIT tại Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN (S04.05, tầng 4, toà nhà Thông minh); 
  • Phòng nghiên cứu UTE-DNIIT tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật – ĐHĐN;
  • Phòng nghiên cứu VKU-DNIIT tại Trường Đại học Việt Hàn–ĐHĐN;
  • Phòng nghiên cứu DUE-DNIIT tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHĐN;
  • Phòng nghiên cứu UED-DNIIT tại Trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN.

c. Sản phẩm được trưng bày tại Phòng trưng bày của DNIIT và tại các Trường để giới thiệu đến các đối tác trong nước và quốc tế.

d. Được hỗ trợ khởi nghiệp, và kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

e. Được giới thiệu các cơ hội du học, thực tập quốc tế. 

LIÊN HỆ:

  • Đại diện ban tổ chức: TS. Đoàn Thị Ngọc Cảnh, email:

smartcampuscampaign@gmail.com, SĐT: 0374.958.690

  • Hoặc với giảng viên phụ trách Cuộc thi SCC tại các đơn vị (tại đây)
  • Hoặc kết nối chúng tôi tại nhóm Zalo Hotline Tư vấn SCC: 

              https://zalo.me/g/aqmzir579.

Date of announcement

Báo chí đưa tin về Buổi giao lưu hợp tác phát triển Du lịch giữa TP.Cannes và Nice vùng Côte d'Azur (Pháp) và TP.Đà Nẵng

Báo chí đưa tin về buổi giao lưu văn hóa, ẩm thực nằm trong chương trình hợp tác hữu nghị giữa TP.Cannes và Nice vùng Côte d'Azur (Pháp) và TP.Đà Nẵng vừa diễn ra tối qua 28.10 tại khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng với nhiều ấn tượng thú vị. Đầu bếp 2 sao Michelin Sinicropi Christian (đại sứ ẩm thực của TP.Cannes vùng Côte d'Azur, Pháp) và đầu bếp Doãn Văn Tuấn (bếp trưởng quần thể du lịch Furama - Ariyana Đà Nẵng) chế biến các món ăn Việt – Pháp với cảm hứng từ… hoa súng.

Chương trình do Liên minh các đại học châu Âu Ulysseus, Đại học Côte d'Azur, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, Hội Khách sạn TP.Đà Nẵng và khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

https://cadn.com.vn/phong-su/da-nang-hop-tac-phat-trien-du-lich-voi-vun…

https://thanhnien.vn/thuong-thuc-am-thuc-viet-phap-voi-cam-hung-che-bie…

https://vietmy.net.vn/du-lich/hop-tac-phat-trien-du-lich-giua-vung-cote…

https://baodanang.vn/kinhte/202310/giao-luu-hop-tac-phat-trien-du-lich-…

 

Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Trường Đại học Kỹ thuật Košice, Slovakia và Trường Đại học Seville, Tây Ban Nha

Trong khuôn khổ nhân chuyến thăm, làm việc và hợp tác với Đại học (ĐH) Đà Nẵng của Liên minh các trường ĐH Châu Âu (Ulysseus European University, sau đây gọi tắt là Liên minh Ulysseus), ĐH Đà Nẵng đã ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với 02 trường ĐH uy tín là thành viên của Liên minh Ulysseus là: Trường ĐH Kỹ thuật Košice, (Slovakia, 24/10) và Trường ĐH Seville (Tây Ban Nha, 25/10).


                                                                                                                                             Đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng

                                                                                                                              và Trường ĐH Kỹ thuật Košice ký MOU

Tham dự có PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cùng chủ trì ký kết hợp tác với đại diện lãnh đạo các trường đối tác là GS. Miguel Ángel Castro Arroyo-Hiệu trưởng Trường ĐH Sevilla (Tây Ban Nha); GS. Mesáros Peter-Trường ĐH Kỹ thuật Košice (Slovakia). Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các ban hữu quan của ĐHĐN (Khoa học Công nghệ và Môi trường, Hợp tác quốc tế, Công tác Học sinh sinh viên). 

                                                                                                                                          Đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng

                                                                                                                                          và Trường ĐH Seville ký MOU

Phát biểu với các đối tác, PGS.TS. Lê Quang Sơn bày tỏ niềm vui, đánh giá cao ý nghĩa của việc ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH Kỹ thuật Košice, Trường ĐH Seville, qua đó mở ra cơ hội mới để tăng cường thúc đẩy kết nối hợp tác trong tiến trình hội nhập ĐH Á-Âu.

                                                                                                                      Đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng trao lưu niệm

                                                                                                                         với Trường ĐH Kỹ thuật Košice, Slovakia

Tại các buổi Lễ ký kết, đại diện lãnh đạo các trường đối tác đánh giá cao vai trò, uy tín quốc tế trong giáo dục đại học của ĐH Đà Nẵng và chia sẻ vinh hạnh được đến thăm, làm việc và ký kết MOU với một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế hàng đầu của Việt Nam.


                                                                                                                       Đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng trao lưu niệm

                                                                                                                với Hiệu trưởng Trường ĐH Seville, Tây Ban Nha

Theo nội dung MOU ký kết với Trường ĐH Kỹ thuật Košice, Slovakia, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trao đổi cán bộ/chuyên gia, giảng viên, sinh viên/học viên; hỗ trợ các chuyến thăm, làm việc và nghiên cứu của các giáo sư và các nhà khoa học; liên kết đào tạo sau ĐH và phối hợp trong các hoạt động trao đổi học thuật, nghiên cứu; hợp tác đề xuất, tìm các nguồn tài trợ cho các dự án quốc tế; phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị và trao đổi các tài liệu, ấn phẩm khoa học.

Trường ĐH Kỹ thuật Košice đã và đang hợp tác với ĐH Đà Nẵng trong Dự án Digital Move trong khuôn khổ Dự án Erasmus, đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác Quốc tế ĐH Đà Nẵng cho biết. 

                                                                                                                                      Trường ĐH Seville, Tây Ban Nha

Theo nội dung MOU ký kết với Trường ĐH Seville, Tây Ban Nha, một trong những trọng tâm của hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với đối tác là cùng nhau triển khai các nội dung, dự án trong Chương trình Eramus.

Đây sẽ là cơ hội để hai bên tăng cường trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên/học viên, từ đó thúc đẩy hiểu biết và hợp tác trong các lĩnh vực, chuyên ngành/liên ngành mà mỗi bên có tiềm năng, thế mạnh, đại diện Ban Hợp tác quốc tế ĐH Đà Nẵng chia sẻ.

                                                                                                                               Trường ĐH Kỹ thuật Košice, Slovakia

Trước đó, dấu ấn nổi bật trong chuỗi sự kiện hợp tác, làm việc với Liên minh Ulysseus (từ ngày 24-25/10) là Phiên họp toàn thể của Phái đoàn cấp cao của Liên minh với lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, qua đó thống nhất cao kết quả làm việc và chủ trương thúc đẩy, tăng cường hợp tác toàn diện, gắn bó lâu dài giữa ĐH Đà Nẵng với Liên minh Ulysseus với vai trò là đối tác chiến lược ngoài Châu Âu đầu tiên của Liên minh (mời xem tin tại đây).

                                                                                                                      Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

Giám đốc Đại học Đà Nẵng tiếp Phó Thị trưởng thành phố Cannes, Cộng hòa Pháp

Ngày 27/10, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã chủ trì buổi tiếp Ngài Thomas de Pariente - Phó Thị trưởng thành phố Cannes, Cộng hòa (CH) Pháp.


                                                                                                                     Toàn cảnh buổi tiếp, làm việc tại ĐH Đà Nẵng

Cùng Đoàn công tác có Ông Azinheirinha Lauriano-Trưởng Văn phòng Du lịch Métropole Nice Côte d’Azur và Ông Gay Jean-Christophe-Giám đốc khoa học, Viện Du lịch Côte d’Azur-ĐH Côte d’Azur.

Cùng tham dự có GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-ĐH Đà Nẵng; đại diện Ban Hợp tác quốc tế và Trung tâm Thông tin-Học liệu và Truyền thông ĐH Đà Nẵng.


                                                                                                                   Giám đốc ĐH Đà Nẵng và Ngài Phó Thị trưởng

                                                                                                                       thành phố Cannes trao đổi tại buổi làm việc

Tại buổi tiếp, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng trân trọng chào mừng Ngài Phó Thị trưởng thành phố Cannes và Đoàn công tác đến thăm, làm việc với ĐH Đà Nẵng.

Giới thiệu những nét tổng quan, nổi bật về ĐH Đà Nẵng hiện là ĐH vùng trọng điểm Quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực, 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế hàng đầu của Việt Nam với 06 trường ĐH thành viên và các viện, khoa, phân hiệu, trung tâm trực thuộc, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng đã đào tạo, cung ứng hàng chục vạn kỹ sư, cán bộ, nhà giáo, chuyên gia, doanh nhân phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước.


                                                                      Giám đốc ĐH Đà Nẵng trao lưu niệm với Phó Thị trưởng thành phố Cannes

Các thế hệ cựu SV của ĐH Đà Nẵng có mặt ở hầu khắp các công trình/dự án trọng điểm, giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, nhà trường và doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.

ĐH Đà Nẵng được Chính phủ Việt Nam quan tâm, ưu tiên cho đầu tư Dự án ODA (cùng 2 ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) để nỗ lực hiện thực khát vọng phát triển thành ĐH Quốc gia (theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị).

Để đạt được mục tiêu chiến lược này, ĐH Đà Nẵng luôn coi hợp tác quốc tế là 1 trong các “trụ cột”, trong đó rất coi trọng, vun đắp các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, các trường ĐH và doanh nghiệp đối tác, đặc biệt từ phía CH Pháp và Châu Âu.


                                                                                                                                       Phó Thị trưởng thành phố Cannes

                                                                                                                            trao lưu niệm với Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Mới đây (ngày 24-25/10), ĐH Đà Nẵng vừa có chuỗi sự kiện Hội thảo, làm việc và ký kết hợp tác với Liên minh các trường ĐH Châu Âu Ulysseus, qua đó thống nhất ĐH Đà Nẵng sẽ là thành viên ngoài Châu Âu đầu tiên của Liên minh Ulysseus, mở ra giai đoạn hợp tác, phát triển mới (mời xem tin tại đây), Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ.

Thông qua chuyến thăm của Ngài Phó Thị trưởng thành phố Cannes, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng bày tỏ mong muốn, hy vọng phía đối tác của thành phố Cannes cũng như vùng Côte d’Azur, trong đó có ĐH Côte d’Azur đang là đối tác chiến lược của ĐH Đà Nẵng sẽ làm “cầu nối” hỗ trợ ĐH Đà Nẵng phát triển thêm các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, các trường ĐH uy tín của CH Pháp và Châu Âu.


                                                                                                                          Trưởng Văn phòng Du lịch Métropole Nice

                                                                                                                Côte d’Azur trao lưu niệm Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Trao đổi với lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, Ngài Thomas de Pariente-Phó Thị trưởng thành phố Cannes, CH Pháp bày tỏ niềm vui, trân trọng cảm ơn Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã dành cho Đoàn sự tiếp đón nồng ấm, trọng thị.

Giới thiệu thành phố Cannes là “điểm đến” của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật và du lịch nổi tiếng thế giới ở vùng Côte d’Azur, với Liên hoan phim quốc tế thường niên Cannes được bình chọn, đánh giá là 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Âu, Ngài Phó Thị trưởng Thomas de Pariente cho biết, nơi đây cũng là địa điểm mở Phân hiệu của ĐH Côte d’Azur, tập trung phát triển các chuyên ngành đào tạo trong các lĩnh vực về sáng tạo, văn hóa và nghệ thuật.


                                                        Sự kết nối hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với thành phố Cannes và vùng Côtes d’Azur                                                                                                          đem lại cơ hội phát triển giáo dục, văn hóa và du lịch 

Đây sẽ là cơ hội để thành phố Cannes tiếp tục mở rộng hợp tác với các trường ĐH của Việt Nam, trong đó có ĐH Đà Nẵng, tọa lạc tại thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, sự kiện lớn; hy vọng thành phố Cannes sẽ là “điểm đến” mới của sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên của ĐH Đà Nẵng.

Mục đích chuyến thăm lần này không những để tìm hiểu nhu cầu, cơ hội hợp tác giữa hai thành phố Cannes và Đà Nẵng mà còn mong muốn được tìm hiểu, làm việc với ĐH Đà Nẵng để cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu các chuyên ngành như: Du lịch, bảo tàng, triển lãm và truyền thông sự kiện là những thế mạnh mà thành phố Cannes có thể kết nối hợp tác với ĐH Đà Nẵng, Phó Thị trưởng Thomas de Pariente chia sẻ.


                                                                                                                         Thành phố Cannes, CH Pháp nổi tiếng với

                                                                                                                 Liên hoan phim quốc tế và các sự kiện văn hóa,

                                                                                                                                      nghệ thuật và du lịch, truyền thông 

Trong không khí chân thành, hiểu biết, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và thành phố Cannes cũng như Viện Du lịch-ĐH Côtes d’Azur và Viện Công nghệ quốc tế DNIIT-ĐH Đà Nẵng đã cùng trao đổi, chia sẻ mối quan tâm chung, coi chuyến thăm là cơ hội tốt để nắm bắt nhu cầu, phát triển tiềm năng hợp tác.

Hai bên chia sẻ mong muốn, đề xuất tăng cường kết nối hỗ trợ để ngày càng có nhiều hoạt động trao đổi sinh viên tham gia các trường hè quốc tế, qua đó góp phần quảng bá các sự kiện văn hóa, nghệ thuật và du lịch của hai thành phố Cannes và Đà Nẵng, thúc đẩy hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp phát triển vùng và đất nước.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN