Vietnamese English French

Facebook

Twitter

 

zalo logo

Vietnamese English French

Ngày 13/11, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ thống nhận diện tự động ứng dụng trong an toàn thực phẩm” và tổng kết Dự án Toxin-Checker 2021.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN, GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện DNIIT, Giáo sư Danh dự của ĐHĐN, đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác quốc tế ĐHĐN cùng các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên các trường, viện thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến Dự án Toxin-Checker.

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu ĐHĐN 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN đã ghi nhận, đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Dự án Toxin Checker do Viện DNIIT chủ trì với sự hỗ trợ, đồng hành của các ĐH hàng đầu (ĐH Côte d'Azur, CH Pháp; ĐHĐN; ĐH Quốc gia Lào), triển khai trong suốt 03 năm qua (2019-2021). 

Thành quả quan trọng của Dự án đã đạt được mục tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế giữa ba nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp-Lào.

PGS.TS. Lê Quang Sơn

Phó Giám đốc ĐHĐN phát biểu

Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn chúc mừng Viện DNIIT và các đối tác, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đã nỗ lực, tâm huyết với các đề tài, dự án, đóng góp tích cực phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung và Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Viện DNIIT cũng như ĐHĐN. 

Tại Hội thảo, GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng Viện DNIIT đã tổng kết, nêu bật những kết quả, dấu ấn của Dự án Toxin-Checker; trân trọng cám ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Tổ chức ĐH Pháp ngữ AUF, ĐH Côte d'Azur, ĐHĐN cũng như các đối tác trường, viện, tổ chức và doanh nghiệp với sự đóng góp tích cực, hiệu quả của nhiều nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia (Xem thêm tại đây). 

GS.TSKH. Lê Thành Nhân

Viện trưởng Viện DNIIT phát biểu 

Đây là Dự án khoa học quốc tế có tính liên ngành (hoá lý, hoá sinh, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, tự động hoá…) được nhiều nhà khoa học, chuyên gia cùng hợp tác, nghiên cứu, qua đó đã đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống công cụ phát hiện, kiểm tra dư lượng độc tố trong thực phẩm tự động dựa trên kết quả tìm kiếm, thu thập dữ liệu tại nhiều địa phương của Việt Nam, Lào và CH Pháp.

Kết quả nghiên cứu và sản phẩm công nghệ đã được ứng dụng, chuyển giao góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng đang ngày càng trở thành mối quan tâm của các cấp quản lý và người dân, GS.TSKH. Lê Thành Nhân cho biết.


Các đại biểu báo cáo khoa học tại Hội thảo 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã báo cáo, công bố các kết quả nghiên cứu xoay quanh chủ đề: “La construction d’un système de reconnaissance automatique appliqué à la sécurité alimentaire”-“Xây dựng hệ thống nhận diện tự động ứng dụng trong an toàn thực phẩm” với các tham luận như: “Nghiên cứu xử lý chất thải hữu cơ khó phân hủy sinh học từ các chợ bằng quy trình ủ hiếu khí”, TS. Nguyễn Phước Quý An, Trường ĐH Bách Khoa, ĐHĐN;  “Mô hình ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc và tính xác thực trong chuỗi cung ứng gạo nội địa của Việt Nam”, TS. Phạm Ngọc Hưng, Viện Công nghệ sinh học-Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội;

Các đại biểu báo cáo khoa học trực tuyến

“Nhận dạng trái cây dựa trên quang phổ hồng ngoại gần ứng dụng mạng thần kinh”, TS. Ninh Khánh Duy, Trường ĐH Bách Khoa-ĐHĐN; “Ứng dụng máy phân tích vector cỡ nhỏ-NanoVNA trong phân loại trái cây”, ThS. Trần Văn Lic, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN; “Thiết kế ứng dụng thu thập và quản lý dữ liệu thô phục vụ phân tích nhanh”, ThS. Nguyễn Thanh Tuấn,  Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền Thông Việt Hàn, ĐHĐN; “Sử dụng ăng-ten phân cực tròn nhỏ gọn UHF để phân tích thực phẩm", TS. Đoàn Thị Ngọc Cảnh, Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN…


GS.TSKH. Lê Thành Nhân-Viện trưởng

Viện DNIIT trao Chứng nhận cho

tác giả báo cáo khoa học tiêu biểu 

Điểm đáng chú ý tại Hội thảo được tổ chức trực tuyến, có sự tham gia báo cáo khoa học của các sinh viên các trường thành viên ĐHĐN như: “Một số vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam”, SV Nguyễn Thị Kim Liên, Trường ĐH Sư phạm, ĐHĐN; SV Nguyễn Nhật Cường, SV Nguyễn Quốc Vương, Trường ĐH Bách Khoa, ĐHĐN...


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

Hội thảo lần này còn mở rộng, hướng đến các lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo để ứng dụng các thiết bị điện tử đo lường trong kiểm tra, phân tích nhanh và các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các chuyên gia trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây không chỉ là dịp tổng kết, đánh giá Dự án Toxin-Checker mà còn là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu để cùng nhau tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong mạng lưới các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học và thành viên của các dự án, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh cùng cộng đồng thích ứng, phòng chống đại dịch Covid-19, GS.TSKH. Lê Thành Nhân chia sẻ. 

Tin từ Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

 

 

 In