Vietnamese English French

Facebook

Twitter

 

zalo logo

Vietnamese English French

Đại học Đà Nẵng hợp tác với Đại học Nice Sophia Antipolis (Cộng hòa Pháp) thành lập Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng - DNIIT

Sáng ngày 18/3/2017, Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), ĐH Nice Sophia Antipolis (CH Pháp) và Cơ quan ĐH Pháp ngữ (AUF); đồng thời chính thức thành lập Viện Công nghệ Quốc tế Đà Nẵng (Danang International Institute of Technology - gọi tắt là DNIIT) đã được diễn ra.

Đây là thành quả hợp tác quốc tế (HTQT) và nghiên cứu khoa học (NCKH) giữa tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên hai trường, xuất phát từ mong muốn của Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp nhằm tăng cường phát triển hoạt động giảng dạy và nghiên cứu cấp ĐH của thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, sự kiện cũng ghi dấu việc thành lập Văn phòng dự án MIRE - Đơn vị nghiên cứu phát minh phụ trách hoạt động hợp tác nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo, trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ; Nice CAMPUS - Đơn vị đào tạo và thông tin khoa học phụ trách hoạt động hợp tác đào tạo, giảng dạy, truyền thông khoa học trong cộng đồng của DNIIT.

mou

Từ trái sang: Ông CLÉMENT Jean-Luc, Cố vấn cho Giám đốc hợp tác quốc tế khối Châu Âu - Bộ Giáo dục Pháp; Bà VIDAL Frédérique, Giám đốc Đại học Nice Sophia Antipolis; GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐHĐN và Bà Sophie GOEDEFROIT – Giám đốc Cơ quan ĐH Pháp ngữ khu vực châu Á Thái Bình dương; chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên, dưới sự chứng kiến của GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các trường ĐH Nice Sophia, ĐH Côte d'Azur và ĐHĐN.

“Bắt đầu từ năm 2006 đến nay, mối quan hệ hợp tác giữa ĐHĐN và ĐH Nice Sophia Antipolis đã trải qua chặng đường 11 năm hình thành, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác bền vững, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hai bên đã hợp tác mở ngành đào tạo Thạc sĩ các chuyên ngành Khoa học máy tính, Quản lý nguồn nước, MBA và Hệ thống nhúng. Trên 20 cán bộ ĐHĐN đã và đang theo học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại ĐH Nice. Trung bình mỗi năm có hơn 10 lượt trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên giữa 2 ĐH trong khuôn khổ các chương trình hợp tác khác nhau.

Hai bên cũng đã phối hợp thành công trong nhiều dự án hợp tác như dự án EMMAsia (thụ hưởng kinh phí tài trợ của Chương trình Erasmus Châu Âu hơn 3 triệu EUR cho 174 suất học bổng); dự án AUF về đào tạo Tiến sỹ theo mô hình đồng hướng dẫn; dự án MIRE (chuyên về nghiên cứu phát minh) trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thông qua MIRE, các Nhóm nghiên cứu chung trong khuôn khổ dự án E-Health với gần 90 nhà khoa học tham gia, trong đó có 25 nhà khoa học của ĐH Nice cùng chia sẻ và hợp tác nghiên cứu. ĐHĐN và ĐH Nice Sophia Antipolis đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học RUNSUD 3 năm/lần vào các năm 2010, 2013, 2016” - GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN cho biết.
 

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD&ĐT hoàn toàn đồng ý và ủng hộ Đề án hợp tác quốc tế giữa ĐHĐN và ĐH Nice Sophia Antipolis. Bởi lẽ, kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục bậc ĐH. Thách thức này buộc các trường ĐH phải thay đổi phương thức giảng dạy, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội. Việc thành lập Viện Công nghệ quốc tế DNIIT với hai đơn vị thành phần là nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo, trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác đào tạo, giảng dạy, truyền thông khoa học là hoàn toàn phù hợp chiến lược đổi giáo dục hiện nay của đất nước.

“Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho sự hợp tác này trong điều kiện có thể cũng như dành nhiều suất học bổng đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hoặc chương trình đào tạo tiến sĩ hợp tác giữa ĐH Nice và ĐH Đà Nẵng” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Với chức năng là một cơ sở hợp tác nghiên cứu sáng tạo, trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ, MIRE đáp việc thiết lập các dự án hợp tác nghiên cứu và sáng tạo liên quan đến các miền ứng dụng cụ thể đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe và thành phố thông minh; tổ chức và tạo nền tảng tương tác giữa giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên và doanh nghiệp nhằm xác định và đáp ứng các nhu cầu thực tế, từ đó xây dựng các đề án đa ngành, xuyên ngành; tổ chức trao đổi nghiên cứu khoa học giữa hai trường cũng như các đối tác khác để thiết lập các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu chuyên ngành, thúc đẩy xây dựng các dự án nghiên cứu ứng dụng liên ngành; tổ chức công bố khoa học với các đối tác quốc gia, quốc tế, qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các tạp chí số, đặc biệt qua hệ lưu trữ mở quốc tế đa ngành HAL; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp, đặc biệt từ các dự án nghiên cứu phát minh của MIRE; xây dựng và phát triển các dự án của MIRE.

Là một tổ chức đào tạo và truyền thông khoa học trong cộng đồng, Nice CAMPUS đáp ứng việc phát triển các chương trình đào tạo quốc tế bậc thạc sĩ và tiến sĩ, dựa trên sự hợp tác giữa các chương trình đào tạo hiện có của hai trường đại học (các chương trình này có thể trở thành các chương trình đào tạo quốc tế văn bằng kép; phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ bồi dưỡng về khoa học công nghệ cho các đối tượng có nhu cầu; tư vấn các giảng viên, nghiên cứu viên thuộc hai trường đại học về xây dựng giáo trình, tài liệu và các công bố khoa học, đặc biệt, trong việc ứng dụng và phổ biến các nội dung về giáo dục cũng như khoa học thông qua các công cụ kỹ thuật số tiên tiến; tổ chức với các đối tác xã hội và kỹ nghệ, phổ biến khoa học và công nghệ đến cộng đồng qua các cuộc thi về công nghệ mới và qua tổ chức truyền bá khoa học công nghệ trên mạng internet và các miền xã hội số; tổ chức trao đổi sinh viên giữa các khóa học đào tạo của hai đại học trong khuôn khổ các chương trình trao đổi.
Sự ra đời của Viện Công nghệ quốc tế đã chính thức mở ra một chương mới trên chặng đường phát triển theo chiều sâu giữa hai ĐH. Hai bên sẽ cùng công nhận các hoạt động chung về nghiên cứu và đào tạo. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện mô hình “hợp tác xây dựng ĐH không tường” được ươm mầm giữa ĐHĐN và ĐH Nice từ năm 2010.

Với quyết tâm hợp tác chặt chẽ, chia sẻ nguồn lực từ ba bên (ĐH Đà Nẵng, ĐH Nice Sophia Antipolis, thành viên của COMUE ĐH Côte d’Azur của Pháp và Cơ quan ĐH Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình dương), chắc chắn Viện Công nghệ quốc tế DNIIT sẽ ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều dự án mới góp phần thúc đẩy liên kết nghiên cứu quốc tế và chuyển giao công nghệ cho ĐHĐN và các trường thành viên, giúp tăng cường chất lượng nghiên cứu và đào tạo giữa hai ĐH – GS.TS Trần Văn Nam chia sẻ.

(Tin từ Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn)